Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lập

https://quynhlap.gov.vn


Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Thời gian qua, tại các nơi trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype... Hiện nay trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã xảy ra một số vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, điển hình như:
Người dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo.

     Vụ thứ nhất: Ngày 18/12/2018, chị Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1974, trú tại xóm 19, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đến Cơ quan Công An trình báo về việc con trai chị sinh sống và học tập tại Hà Nội. Quá trình đó mẹ con chị Huệ liên lạc qua mạng xã hội Facebook, nhưng tài khoản facebook của con chị Huệ đã bị đối tượng xấu hack mất mà chị Huệ không biết. Đối tượng giả vờ là con chị Huệ liên lạc về và bảo chị Huệ gửi tiền để đóng tiền học. Vì chị Huệ nghĩ là con mình nên đã gửi tiền theo số tài khoản ngân hàng mà đối tượng đã cho, số tiền là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng). Sau khi gửi trước số tiền 10.000.000đ (Mười triệu đồng), đối tượng tiếp tục nhắn tin báo chị Huệ gửi tiếp. Chị Huệ tiếp tục gửi tiền và sau đó chị Huệ có gọi điện cho con hỏi nhận được tiền chưa thì con trai chị bảo là con không bảo mẹ gửi tiền. Lúc này chị Huệ mới biết là mình bị lừa, trong khi đó tài khoản facbook trước đó đã liên lạc với chị Huệ để bảo gửi tiền đã khóa và chặn lại, không liên lạc được nữa. Lúc này chị Huệ mới biết mình bị lừa và trình báo với Cơ quan Công An.

     Vụ thứ hai: Tháng 9/2018, anh Nguyễn Bá Tình, trú tại khối Tân Tiến, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có đến Công An thị xã Hoàng Mai trình báo. Anh Tình làm nghề bán hoa qua mạng và có đối tượng vào mạng xã hội Facebook và đặt mua hoa của anh Tình. Đối tượng nói đang ở nước ngoài, nhờ anh Tình chuyển hoa cho bố mẹ của đối tượng ở Quảng Ninh. Đối tượng bảo anh Tình gửi số tài khoản của anh Tình để đối tượng chuyển tiền trước cho anh Tình. Anh Tình đã gửi số tài khoản cho đối tượng. Sau đó đối tượng gửi tin nhắn đã chuyển khoản cho anh Tình số tiền là 5.500.000đ (Năm triệu năm trăm nghìn đồng) và bảo anh Tình nhấp vào đường linh và làm theo hướng dẫn để nhận tiền. Anh Tình không biết làm các thủ tục đó trên điện thoại nên đối tượng đề nghị anh Tình gửi mã OTP (Dịch vụ chuyển tiền tự động trên điện thoại phải có mã OTP) cho đối tượng để đối tượng làm giúp. Anh Tình liền gửi mã OTP cho đối tượng và sau 05 phút, ngân hàng thông báo về tất cả số tiền trong tài khoản của anh Tình đều bị chuyển sang tài khoản của đối tượng. Lúc này anh Tình mới biết là mình bị lừa. Thời điểm đối tượng thực hiện thường là sau giờ làm hành chính vào ngày nghỉ nên Ngân hàng không hoạt động, không thể phong tỏa tài khoản được. Vì vậy anh Tình đã bị mất số tiền là 29.000.000đ (Hai mươi chín triệu đồng).

     Vụ thứ 3: Vào khoảng tháng 3/2017 có 01 người đàn ông dùng tên Facebook “Julian Gandel” xin kết bạn với bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1950, ngụ tại phường Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh; sau một thời gian nói chuyện qua mạng Facebook, ông Julian Gandal muốn giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của bà T và hứa sẽ chuyển 100.000 USD cho bà T. Vào ngày 20/3/2017 có 01 người phụ nữ gọi điện thoại cho bà T tự xưng là nhân viên an ninh hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tên Lê Nguyễn Hoàng Oanh, báo bà T có 01 gói hàng đang ở sân bay và đề nghị bà T chuyển 1.300 USD làm phí nhận hàng. Nghĩ đó là gói hàng của ông Julian Gandel chuyển cho bà nên ngày 20/3/2017 bà T ra ngân hàng ACB chuyển 30.000.000 đồng vào tài khoản số 232258209 tên Lê Nguyễn Hoàng Oanh. Sau đó Oanh nhắn tin cho bà T là phát hiện có tiền trong gói hàng nên phải đóng thêm phí 150.000.000 đồng nữa thì mới được nhận hàng. Sau đó ngày 21/3/2017 bà T ra ngân hàng BIDV tiếp tục chuyên số tiền 150.000.000 đồng vào tài khoản số 31810000092118 tên Lê Nguyễn Hoàng Oanh và với phương thức, thủ đoạn tượng tự đối tượng đã yêu cầu bà T chuyển tiền 02 lần nữa với số tiền là 840.000.000 đồng. Sau khi bà T đã chuyển tổng cộng 1.020.000.000 đồng cho đối tượng Oanh và chờ một thời gian thấy không nhận được gói quà và không liên lạc được với Oanh và Julian Gandel, biết mình bị lừa bà T đến cơ quan Công an trình báo.

     Trên đây là một số vụ việc điển hình mà người dân bị các đối tượng lừa đảo dùng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

     Năm 2018 Công an thị xã Hoàng Mai đã điều tra, khởi tố 03 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Tuy nhiên tình trạng người dân sử dụng mạng xã hội facebook bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra nhiều.

     * Các dấu hiệu nhận biết loại tội phạm này:

     - Các đối tượng lừa đảo thường đóng giả kỹ sư, bác sỹ, quân nhân Mỹ... dưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại Anh, Mỹ hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria,... ngỏ ý làm quen, kết bạn hứa hẹn kết hôn trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Whatsapp, Skype, Tagged.com...

     - Làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà...có giá trị lớn trong đó có nhiều tiền, vàng... để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ tặng quà, vay mượn để đầu tư kinh doanh...

     - Cho người đóng giả là nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị... thông báo phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền, rồi bọn chúng rút ra để chiếm đoạt.

     - Các tài khoản Facebook, Zalo... bị các đối tượng hack rồi bảo người thân gửi tiền làm việc này, việc kia hoặc đóng tiền học phí...., sau đó cho một số tài khoản có tên rõ ràng, chi nhánh ở Việt Nam. Người nhà không để ý, vì lo cho người thân nên đã ra Ngân hàng để gửi tiền và bị lừa.

     Qua tất cả những vụ việc trên, Công an xã Quỳnh Lập thông báo và đề nghị nhân dân thực hiện tốt một số nội dung sau:

     - Thứ nhất, hiện nay các tài khoản Ngân hàng trôi nổi trên thị trường rất nhiều, nhất là những tài khoản lạ. Những người chủ tài khoản đó không dùng và bán lại cho các đối tượng trên mạng. Các đối tượng lừa đảo đã mua lại và dùng vào việc nhận tiền, sau khi rút được tiền thì vứt thẻ đi. Khi Cơ quan Công an tìm đến tên chủ tài khoản thì họ thông báo đã bán lại hoặc không dùng tài khoản đó nữa.

     - Thứ hai, không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại...Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế...

     - Thứ ba, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ ai.

     - Thứ tư, tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.  Nếu đã chuyển tiền phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển.

     - Thứ năm, nếu người thân yêu cầu chuyển tiền thông qua mạng xã hội (qua tin nhắn trên Facbook, Zalo...) thì không được chuyển, phải gọi điện lại cho người thân và xác nhận, nếu gửi tiền thì đúng với số tài khoản có tên của người thân mình.

     Mọi nghi vấn hoặc phát hiện thông tin liên quan đến các đối tượng, vụ việc việc có liên quan, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho Công an xã Quỳnh Lập hoặc liên hệ Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoàng Mai, địa chỉ: Khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 02383.666.113.

     Công an xã Quỳnh Lập thông báo đến toàn bộ nhân dân trên địa bàn biết, nhận biết được các dấu hiệu của loại tội phạm này, có cách phòng tránh, không để bị mất tài sản

Tác giả bài viết: Trần Đức Linh, Trưởng Công An xã

Nguồn tin: Công An thị xã Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây