Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lập

https://quynhlap.gov.vn


Đền Hạ - Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Đền Hạ được xây dựng bên bờ Cửa Tráp thuộc xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, vị anh hùng đã có công tạo dựng, đặt nền móng về Kinh tế, chính trị, văn hóa... cho xã Quỳnh Lập nói riêng, Xứ Nghệ nói chung. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hiện nay Đền Hạ còn phối thờ Tứ vị Thánh Nương và Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đền Hạ được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2009.
 
        Đền Hạ được xây dựng bên bờ Cửa Tráp thuộc xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, vị anh hùng đã có công tạo dựng, đặt nền móng về Kinh tế, chính trị, văn hóa... cho xã Quỳnh Lập nói riêng, Xứ Nghệ nói chung. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hiện nay Đền Hạ còn phối thờ Tứ vị Thánh Nương và Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đền Hạ được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2009.
        Lý Nhật Quang (998 - 1057) là một hoàng tử và tướng lĩnh nhà Lý, Ông là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), mẹ là Trinh Minh hoàng hậu Lê Thị. Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử. Ông được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm thành rường cột nước nhà.
        Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039), Lý Nhật Quang được Lý Thái Tông cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Tại đây, Lý Nhật Quang làm việc cần mẫn, thu đủ số thuế được giao và không như các vị tiền nhiệm hà lạm thuế của dân nên được tiếng là thanh liêm, chính trực.
         Năm 1041, xét thấy Lý Nhật Quang là người tin cẩn, Lý Thái Tông phong ông làm tri châu Nghệ An - tước hiệu là Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Lúc này, Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại. Ông đã cho làm sổ sách thống kê hộ khẩu, nhân đinh.
          Năm 1044, Lý Thái Tông cất quân đánh Chiêm Thành, nhờ có Trại Bà Hoà (hoành doanh do Lý Nhật Quang xây dựng) kiên cố và đầy đủ lương thực, quân sĩ yên tâm chiến đấu. Trong trận chiến lớn bên sông Ngũ Bồ, tướng Quách Gia Di chém đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu. Khi vua Lý Thái Tông khải hoàn đến trại Bà Hoà, Lý Nhật Quang nghênh đón nhà vua và quân sĩ trọng thể, Lý Nhật Quang được vua phong từ tước Hầu lên tước Vương.
          Khảo sát vùng Cửa Tráp (nay là xã Quỳnh Lập), Lý Nhật Quang thấy đây là một vùng gần biển, dân cư ở đây giỏi nghề đóng thuyền, đi biển nhưng đời sống vẫn cơ cực. Ông đã sáng suốt tạo kế, hướng dẫn cách làm ăn cho nhân dân, chiêu mộ nhân dân khai hoang, lấn biển, khai thông đường thủy mở mang nghề biển, chống giặc giữ làng. Ông vận động nhân dân phải tương trợ lẫn nhau, ai có sức nhưng không có thuyền, có lưới thì có thể cùng nhau đi bạn để đánh bắt hải sản cải thiện cuộc sống.
          Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng đã sống hết mình vì xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung, các triều đại phong kiến đã lần lượt “phong sắc, tôn thần”, “Dân chúng trong Châu đều lập đền thờ tôn ngài làm Thành hoàng, làm đại phúc thần của cả Châu”. Riêng nhân dân làng Hữu Lập, để ghi dấu sự tích, tưởng nhớ công lao của Lý Nhật Quang, người đã có công tạo dựng, đặt nền móng phát triển làng mình, họ đã lấy nơi dùng chân nghỉ ngơi của ông khi đi thị sát vùng Cửa Tráp xây dựng đền (Đền Hạ) để muôn đời tưởng niệm.
          Ngày 16/12/2008, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số: 5654/QĐ - UBND công nhận Đền Hạ thuộc xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là Di tích Lịch sử  - Văn hóa.
          Ngày 09/4/2009 (Tức là ngày 15/3 âl), UBND xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức Lễ đón Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa và Lễ hội Kỳ phúc.
 
003
 
         Đền Hạ nổi tiếng linh thiêng vẫn âm phù mưa thuận gió hòa để nhân dân làm ăn thuận lợi, đất nước cường thịnh. Lễ hội đền Hạ được tổ chức vào hai ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch hàng năm và thu hút được đông đảo nhân dân, du khách khắp cả nước về tham gia và công đức.
004
Từ năm 2012, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Lễ hội Đền Hạ được tổ chức nhiều nội dung theo lễ hội truyền thống. Trong phần lễ có rước kiệu, Lễ Yết cáo, Lễ Cầu Ngư, Lễ Đại tế và tạ lệ.

 17880259 1903131836626924 669719246117127440 o
 
          Phần hội có Đua thuyền, Thi Tiếng hót chim chào mào và các hoạt động văn hóa, thể thao khác.
17917181 1903132673293507 6355479921496842311 o
          Ngày 30/7/2013 Hội đồng nhân dân xã Quỳnh Lập đã thông qua Nghị quyết số: 08/2013/NQ - HĐND về Quy chế tổ chức lễ hội, đưa các nội dung vào lễ hội và tổ chức hằng năm.
          Lễ hội Đền Hạ ngày nay đã thực sự được khôi phục và đáp ứng được nhu cầu tâm linh, nguyện vọng hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
 
 

 
 
                                                
 
 

Tác giả bài viết: Vương Đại Tương

Nguồn tin: Ban quản lý di tích Đề Hạ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây