Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lập

https://quynhlap.gov.vn


Tại sao con mực của xã Quỳnh Lập lại ngon hơn?

Tại sao con mực của ngư dân Quỳnh Lập đánh bắt được lại thơm ngon hơn các xã, phường lân cận? Đây là một câu hỏi mà bản thân tôi và nhiều thực khách băn khoăn.
Mực khô được các ngư dân xã Quỳnh Lập phơi trên tàu (ảnh Lê Bá Kỷ cung cấp)
Quỳnh Lập là một trong 10 phường, xã của thị xã Hoàng Mai được tách ra từ huyện Quỳnh Lưu năm 2013. Xã có 12 km bờ biển, có Sông Mai Giang đổ ra cửa Tráp (nay là Lạch Cờn) là một lợi thế về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Quỳnh Lập có 143 tàu cá có công suất 200 CV trở lên và hơn 100 tàu dưới 200 CV và bè mảng. Đây là một lực lượng khai thác hải sản lớn của thị xã Hoàng Mai từ vùng lộng đến vùng khơi. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt bình quân từ 30.000 đến 35.000 tấn. Chủng loại sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là cá nục, cá trích, cá trỏng, mực, tôm, moi và nhiều loài cá khác.

Trong số các loại hải sản mà ngư dân khai thác được thì con mực của ngư dân Quỳnh Lập đưa ra thị trường vẫn ngon hơn, được giá hơn và nhiều người sành ăn đã biết.

Tại sao con mực của ngư dân Quỳnh Lập đánh bắt được lại thơm ngon hơn các xã, phường lân cận? Đây là một câu hỏi mà bản thân tôi và nhiều thực khách băn khoăn. Trong một dịp ngồi giao lưu với một số ngư dân Quỳnh Lập thì họ đã chia sẽ cho tôi biết được điều băn khoăn nêu trên.

Theo nội dung chia sẻ của ngư dân Quỳnh Lập, hải sản ở các ngư trường khác nhau thì độ thơm ngon sẽ khác nhau. Ví dụ như: Ngư trường Hoàng Sa (thuộc các tỉnh ven biển Trung Trung bộ) độ sâu của biển rất lớn và nước biển rất mặn. Do đó hải sản ăn không ngon bằng ngư trường Vịnh Bắc bộ. Con mực khai thác ở ngư trường Hoàng Sa ăn có vị mặn và không ngon. Mực khai thác ở Vịnh Bắc bộ ngon hơn vì biển Vịnh Bắc bộ có độ sâu, độ mặn thấp hơn ngư trường Hoàng Sa, có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển nên rất nhiều sinh vật phù du làm thức ăn cho các loài hải sản.

 
Ve tinh
Nhìn từ ảnh chụp vệ tinh, ngư trường Hoàng Sa có độ sâu hơn ngư trường Vịnh Bắc bộ
 
Nhưng khai thác gần nhau ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, con mực của Quỳnh Lập vẫn ngon hơn các phường, xã lân cận. Họ “Bật mí” cái bí mật cho tôi đó là khâu chế biến. Khi đánh bắt được mực, ngư dân Quỳnh Lập thường bảo quản và chế biến thành 4 dạng: Bảo quản tươi, phơi khô, phơi một nắng, luộc tươi tại tàu.

Bảo quản tươi: Khi con mực vừa được khai thác lên tàu, họ khẩn trương phân loại ngay khi các loài hải sản đang còn sống. Để lẫn lộn với cá, con mực sẽ nhanh bị chết và trầy tróc da. Phân loại xong, mực nhỏ họ cho vào các  khay đậy nắp có trọng lượng 10kg và bỏ ngay vào hầm bảo quản riêng. Mực to thì mổ phơi để tăng thêm giá trị sản phẩm.

 
Muc tuoi
Mực tươi được bảo quản trong tủ lạnh hoặc máy cấp đông theo từng khay hoặc từng hộp (ảnh Vũ Thùy Lâm)
 
Phơi khô: Đa số các tàu cá của xã Quỳnh Lập có chính sách cho các thuyền viên câu riêng ngoài giờ lao động tập trung. Sản phẩm câu được chủ yếu là mực ống. Ai siêng năng sẽ câu được nhiều và hưởng riêng thành quả của mình. Khi câu được mực, thuyền viên tiến hành mổ luôn con mực và phơi nắng. Mỗi thuyền viên đánh dấu số mực của mình bằng cách dùng dao nhọn đánh dấu lên con mực bằng ký hiệu riêng của mình. Một tàu cá có trên 10 thuyền viên thì có trên 10 kiểu đánh dấu khác nhau. Vì vậy, mực không thể lẫn lộn với người khác được. Khi phơi không chỉ đem ra nắng là xong, mà còn phải căn giờ để trở mực cho đều nắng. Mực phơi trong một ngày nắng bình thường sau đó đưa vào hầm sấy tiếp một thời gian nhất định. Thành phẩm sau khi sấy con mực rất vừa độ, không khô quá hoặc chưa được khô. Màu sắc của mực có màu vàng sáng rất đẹp, khi ăn rất thơm, ngon, ngọt, mềm.

 
Muc kho
Mực khô xã Quỳnh Lập có màu sắc đẹp và độ khô vừa đủ (ảnh Vũ Thùy Lâm)
 
Ngư dân còn tiết lộ thêm: Hiện nay thương lái mua mực khô có đánh dấu (họ biết mực của Quỳnh lập) đắt hơn mực khô của nơi khác. Mực khô  muốn giữ được hương vị được lâu thì cho vào bao và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Mực khô của Quỳnh Lập được các thương lái ở các tỉnh lân cận về thu mua với số lượng lớn.
 
Danh dau
Mực khô được các thuyền viên Quỳnh Lập đánh dấu theo cách riêng của mình
(vết đánh dấu trong vòng ô màu xanh)

 
Mực một nắng: Đúng như tên gọi của nó, sau khi câu được mực, họ mổ luôn và phơi một nắng (Tùy trời nắng to hay không để căn và nhìn màu con mực để đưa vào bảo quản). Sau khi phơi qua một nắng, họ dùng bao gói riêng từng con rồi cho vào thùng đá để bảo quản.
 
Mot nang
Mực phơi một nắng (ảnh Lê Bá Kỷ cung cấp)

 
Luộc tươi trên tàu: Mực sau khi được phân loại, họ cho mực nhỏ vào nồi luộc chín ngay trên tàu và đựng vào khay 10 kg đậy nắp rồi đưa vào thùng đá bảo quản. Khi muốn ăn thì chỉ cần lấy ra luộc lại, chiên hoặc chế biến các món ăn khác. Con mực luộc tươi ngoài tàu vẫn giữ được hương vị tươi ngon của nó. Hiện nay ở Quỳnh Lập có một số doanh nghiệp thu mua mực tươi về hấp với số lượng lớn.
 
Muc luoc
Mực luộc trên tàu (ảnh Lê Bá Kỷ cung cấp)
 
Sau khi nghe câu chuyện ngư dân Quỳnh Lập chia sẻ, tôi lại có một cách nghĩ riêng đó là yếu tố con người. Con người Quỳnh Lập bản chất rất thật thà, siêng năng và sáng tạo trong lao động. Chính vì lẽ đó mà con mực cùng đánh một ngư trường với nhau mà mực Quỳnh Lập chất lượng vẫn tốt hơn!

Ai chưa từng đến, chưa được thưởng thức các món ăn từ hải sản Quỳnh Lập hãy đến với quê tôi để trải nghiệm các món ngon hải sản và ngắm những bãi biển hoang sơ xinh đẹp, không khí trong lành!

Tác giả bài viết: Vương Đại Tương

Nguồn tin: QUYNHLAP.GOV.VN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây