Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Lập

https://quynhlap.gov.vn


Lịch sử về làng Đông Hồi

Về công tác tại vùng đất Đông Hồi thuộc xã Quỳnh Lập đến nay cũng đã hơn 12 năm, nơi đây là nơi đã gắn bó với nhiều thế hệ thầy cô giáo. Các thầy cô giáo đến công tác tại trường TH Quỳnh Lập B rồi lại chuyển trường. Ngôi trường đóng trên mảnh đất Đông Hồi, song để hiểu về lịch sử của làng và sự ra đời của tên làng thì ít người quan tâm và biết đến. Xin được giới thiệu một phần lịch sử tên làng được trích trong cuốn "Hoàng Mai, địa đầu xứ Nghệ" của tác giả Trung tướng, Nhà giáo ưu tú, PGS. TS. PHAN ĐỨC DƯ
Bãi biển Đông Hồi
 Làng Đông Hồi, xưa có tên là bát Lại, cũng gọi là làng Trường, làng Yên, làng Hồi Châu. Thời Trần, vua Trần Anh Tông đổi là làng Đông Hồi (thế kỷ XIII). Cái tên làng Đông Hồi ra đời gắn với câu chuyện vua Trần Anh Tông thân đi đánh Chiêm Thành. Trên đường tiến quân vào đánh Chiêm Thành, đoàn thuyền chiến của nhà vua vào cửa Lạch Cờn (cửa Cờn) nghỉ chân và chuẩn bị thêm quân lương. Nhà vua vào đền thờ tứ vị Thánh Nương cầu xin âm phù. Nhà vua được tứ vị Thánh Nương phù hộ đã đánh thắng Chiêm Thành.
Thắng trận, trên đường trở về kinh thành Thăng Long, nhà vua dong thuyền đi thẳng. Thuyền Ngự và đoàn quân đến vùng Hồi Châu, trời đang yên bình bỗng gió to, sóng lớn, giông tố mịt mùng, thuyền không thể đi được. Thấy chuyện lạ, vua nghĩ là do mình đánh thắng trận mà không trở lại bái tạ thần linh ở cửa Cờn. Nhà vua hạ lệnh cho thuyền quay trở lại cửa Cờn. Vua Trần Anh Tông thân đến đền Cờn tạ ơn tứ vị thánh Nương.
Bái tạ xong, trời cao mây tạnh, sóng yên biển lặng trở lại. Vì vậy, nhà vua đổi tên làng Hồi Châu thành làng Đông Hồi. Khi trở về kinh thành vua Trần Anh Tông cho xây dựng đền Cờn.
Năm 1945, làng Đông Hồi có tên là Đồng Minh và Đồng Thanh. Năm 2008, xóm Đồng Minh được tách làm hai xóm: Đồng Minh, Tân Minh. Làng Đông Hồi trở thành một địa danh lịch sử ghi dấu ấn vua Trần Anh Tông trên đất Hoàng Mai.
Làng Đông Hồi xưa có địa hình hiểm trở cách xa với các vùng xung quanh. Trên mảnh đất Đông Hồi còn có nhiều di tích như: hang Cá Voi, hòn Đá Sách (trông giống hình quyển sách), đá Thình Thình (đi lên hòn đá nghe tiếng đập thình thình như tiếng trống).

Trích "Hoàng Mai, địa đầu xứ Nghệ" của tác giả Trung tướng, Nhà giáo ưu tú, PGS. TS. PHAN ĐỨC DƯ

Đông Hồi, nơi điểm hẹn của tình yêu!

Đông Hồi xanh như khúc hát thần tiên,
Khúc hát giao duyên la đà nỗi nhớ.
Mỗi lần đến hồn gieo trong sóng vỗ,
Nỗi nhớ trời xanh vỗ cánh lưng trời.
Đông Hồi xanh, Đông Hồi của rạng ngời.
Đông Hồi của lứa đôi hò hẹn.
- Anh đã nghe câu nói: Đông Hồi, nơi điểm hẹn của tình yêu!
- Đông Hồi, nơi điểm hẹn của tình yêu! Anh! Anh đã yêu?
- Đúng! Anh yêu, một cô gái xứ Nghệ có tâm hồn ngọt ngào như biển. Đứng trên bờ cát anh muốn hét thật to về phía sóng. Biển Đông Hồi thật đẹp, đúng là ngọt ngào tình biển Nghệ An!
- Hiểu biển thế vẫn còn chưa đủ,
Muốn yêu biển, yêu người thì ta phải hiểu,
Cả lúc biển giận hờn, cuộn dâng bão tố.
Khi biển xanh, biển đỏ, biển đen,
Khi bạc trắng, khi vàng, khi lấp lánh,
Khi đổi dòng nóng lạnh của hải lưu!
- Em thấy không? Sóng bạc đầu,
Biển vẫn mãi xanh tươi,
Gió vẫn vào thầm thì lá thông non,
Dưới bãi xa con sóng vẫn bồn chồn,
Vẫn chờ đợi một cái gì chưa tới!
- Anh! Anh chờ đợi điều gì?
- Em! Chúng mình về Đông Hồi em nhé? Đông Hồi nơi điểm hẹn của tình yêu!
- Đông Hồi nơi điểm hẹn của tình yêu?
- Anh yêu, một cô gái xứ Nghệ có tâm hồn ngọt ngào như biển!...
                                                Nguồn: VTV1


 

Tác giả bài viết: Trần Văn Trí

Nguồn tin: Mảnh đất Đồng Hồi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây