Việc người dân tổ chức hát karaoke thường diễn ra trong các sự kiện: Tổ chức liên hoan hội, liên hoan trong gia đình, hay các sự kiện quan trọng cưới, hỏi, thậm chí tế họ cũng tổ chức hát. Cái đáng phản ánh ở đây là thời điểm hát thường diễn ra sau buổi tiệc liên hoan, thường từ khoảng 19 giờ tối trở đi. Lúc này men rượu, bia đã nồng nặc thì họ thi nhau “cướp Micro” hát. Họ nhảy và hát rất nhiệt tình cùng với sự hỗ trợ của dàn loa công suất lớn hòa trong điệu nhạc “bốc lửa”. Hát thì ít mà hét thì nhiều. Khán giả bất đắc dĩ của họ chính là những vị hàng xóm. Buổi đêm là giờ nghỉ để tái tạo sức lao động cho ngày mai, nhưng tiếng từ loa phát ra inh ỏi không tài nào nghỉ yên. Các cháu học sinh không thể học nổi bài, đặc biệt các ông, bà già, người ốm đau cứ như búa đóng vào tai, đau đầu long óc. Ngay cả những người điếc cũng phải phàn nàn.
Hát thì ít, hét thì nhiều. Khổ cho hàng xóm (nguồn ảnh internet)
Theo tôi việc hát karaoke là nhu cầu giải trí chính đáng của mọi người. Các sự kiện như cưới, hỏi hay sự kiện trọng đại của gia đình, của các tổ chức thì có thể thông cảm vì cả cuộc đời họ mới tổ chức một lần và chỉ nên giới hạn khoảng 21 giờ đêm trở lại. Còn lại, các sự kiện liên hoan hội nên điều chỉnh thời gian và địa điểm cho phù hợp vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của bản thân và không ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu có thể thì đến quán hát ở đó có hệ thống cách âm tốt. Nếu không đến quán hát thì nên tối đa khoảng 19 giờ đêm là dừng.
Tôi mong mỗi người dân chúng ta hãy “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chắc trong chúng ta ai cũng đã trở thành vị khán giả bất đắc dĩ và cũng hiểu được điều này.