​​​​​​​ Cảnh báo lạm dụng ‘thuốc An Cung Ngưu’ chống đột quỵ gây hậu quả khó lường

Chủ nhật - 26/03/2023 09:21

 

Trước sự đe dọa của những cơn đột quỵ tuổi già, một số người cao tuổi thường tìm mua viên An Cung Ngưu với tâm lý "dự phòng" để đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy An Cung Ngưu hoàn toàn không phải là “tiên dược” mà còn gây ra nhiều hậu quả khiến không ít người bị tiền mất tật mang, thậm chí là tử vong. 


Thực hư tác dụng của thuốc An Cung Ngưu 

An Cung Ngưu là một công thức nổi tiếng trong y học cổ truyền Trung Quốc, đã được sử dụng lâm sàng trong nhiều thế kỷ để điều trị các bệnh về não, có thể bảo vệ đáng kể não khỏi tổn thương do thiếu máu cục bộ [1]. 


Một nghiên cứu về các hoạt chất chính có trong An Cung Ngưu đã chỉ ra rằng loại thuốc này có thể có tác dụng điều trị thông qua phản ứng stress oxy hóa, phản ứng viêm, phản ứng của tế bào đối với lipid và phản ứng với mức độ dinh dưỡng. Hơn nữa, các thành phần của thuốc được dự đoán là có tác dụng điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thông qua con đường truyền tín hiệu HIF-1, con đường truyền tín hiệu FoxO, con đường truyền tín hiệu chemokine, ứng suất cắt chất lỏng và xơ vữa động mạch, và con đường truyền tín hiệu neurotrophin.[2]
 


Một sản phẩm An cung ngưu trên thị trường 

Tại Việt Nam, An Cung Ngưu được quảng cáo như một loại "thần dược cứu não" có khả năng phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não (đột quỵ). Thực tế, An Cung Ngưu chỉ có tác dụng giảm hiện tượng đông máu, giúp mạch máu thuyên tắc tái thông trở lại trên bệnh nhân bị nhồi máu não có kích thước nhỏ. Trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não do xuất huyết hoặc nhồi máu não diện rộng, việc tùy tiện sử dụng thuốc sẽ chẳng khác gì "thêm dầu vào lửa", làm xuất huyết ồ ạt hơn, các mạch máu não tiếp tục bị tổn thương khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng.


Ngoài ra, trong thành phần của An Cung Ngưu có chứa 3 hoạt chất mang độc tính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế cần phải sử dụng thận trọng. Đó là Chu Sa - muối sulfua thủy ngân, Hùng Hoàng - muối sulfua asen và Xạ Hương có độc tính cao. Những hoạt chất này khi vào cơ thể đến hàm lượng nhất định sẽ gây nhiễm độc dẫn tới những tổn thương nặng nề trên gan thận, có thể gây suy đa phủ tạng.


Lạm dụng thuốc An Cung Ngưu chống đột quỵ, coi chừng phải trả "giá đắt"

Trong nhiều năm nay, An Cung Ngưu được đồn thổi như một "thần dược" giúp dự phòng đột quỵ nên nhiều gia đình đã tìm mọi cách mua bằng được để sẵn sàng cho người thân dùng khi cần thiết.
 


Trên mạng xã hội tràn lan quảng cáo An Cung Ngưu là “thần dược” chống đột quỵ.

Đã có vô số trường hợp do người nhà quá tin tưởng vào loại thuốc này nên đã cho người bệnh uống khi thấy dấu hiệu đột quỵ hoặc giống đột quỵ sau đó ngồi chờ kết quả mà không đưa đến bệnh viện. Chính điều này đã làm lỡ cơ hội "giờ vàng" (3-6h sau đột quỵ) điều trị tích cực để có cơ hội cứu chữa. Khi thời gian quý báu để có thể giải quyết đột quỵ trôi qua, người bệnh phải đối mặt với những tổn thương thần kinh không thể hồi phục, có thể dẫn đến liệt nửa người, sống đời sống thực vật và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 


Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ khi có tổn thương vùng thân não sẽ làm cho cơ hầu họng bị liệt gây rối loạn chức năng nuốt. Việc cho bệnh nhân uống An Cung Ngưu có thể khiến bệnh nhân bị sặc, gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, dẫn đến hậu quả rất nặng nề, thậm chí tử vong.


Không có chỉ dẫn nào cho phép uống thuốc An cung ngưu để dự phòng và điều trị đột quỵ


Ngày 4/7/2014, Cục Quản lý dược đã có công văn về hướng dẫn sử dụng thuốc An cung ngưu hoàng, công văn nêu rõ:


“An cung ngưu là thuốc y học cổ truyền cần được sử dụng, kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y.


Hiện nay đã có 4 thuốc được Bộ Y tế cấp số đăng ký và được chỉ định dùng trong trường hợp nhiệt bệnh, tà nhập tâm bào, cao nhiệt kinh quyết (sốt cao co giật), thần hôn (hôn mê), loạn ngữ (mê sảng); hôn mê do trúng phong (viêm não, viêm màng não, xuất huyết não thể bế chứng: có sốt cao, huyết áp tăng …).


Đặc biệt, thuốc chống chỉ định sử dụng trong trường hợp tai biến mạch máu não, viêm não thể thoái chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn; phụ nữ có thai; người suy giảm chức năng gan, thận.”

Các bác sĩ cho biết, trên thực tế An cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng phòng đột quỵ như nhiều người lầm tưởng


Do đó, khi phát hiện một hoặc nhiều những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, tuyệt đối không được sử dụng thuốc An Cung Ngưu cho bệnh nhân đột quỵ não khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.


Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Dược sĩ Lưu Anh, Lưu ý khi dùng thuốc chống đột quỵ, ngày đăng 20 tháng 12 năm 2021, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy, truy cập ngày 11 tháng 06 năm 2023.

  2. Tác giả Shiqing Zhang, Protective Effect of An-Gong-Niu-Huang Wan Pre-treatment Against Experimental Cerebral Ischemia Injury via Regulating GSK-3β/HO-1 Pathway, ngày đăng 16 tháng 4 năm 2021, Pubmed, truy cập ngày 11 tháng 06 năm 2023.

  3. Tác giả Yasu Zhang, Exploring Active Compounds and Mechanisms of Angong Niuhuang Wan on Ischemic Stroke Based on Network Pharmacology and Molecular Docking, ngày đăng 27 tháng 3 năm 2022, Pubmed, truy cập ngày 11 tháng 06 năm 2023.

 

Tác giả: Dược sĩ Khánh Huyền,  tốt nghiệp hệ chính quy khoa Dược Học Viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam hiện đang phụ trách chuyên môn tại nhà thuốc Central Pharmacy.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây